Ethereum 2.0 là gì? - Cách thức hoạt động và ảnh hưởng của nó đến giá ETH

linchi

🦀Cua Kỳ Cục🦀
1626509761799.png


Ethereum là một trong những blockchain tiên phong và có sức ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực tiền mã hóa. Từ sự ra đời của Ethereum, các công nghệ mới liên tục được phát triển dựa trên nó. DeFi - xu hướng nổi đình đám của năm nay, cũng là một trong số chúng.

Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, mạng lưới Ethereum bắt đầu lộ rõ những hạn chế, điển hình như tốc độ giao dịch chậm và phí giao dịch cao. Vốn được coi là cuộc cách mạng của Internet - Web 3.0. Ethereum - nếu không giải quyết được bài toán kinh tế thì hoàn toàn không có nhiều giá trị thực tiễn.

Và đó là lý do Ethereum 2.0 ra đời, hứa hẹn giải quyết những vấn đề tồn đọng và mở rộng mạng lưới nhằm thu hút thêm nhiều người dùng mới.

Trong bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu về Ethereum 2.0 và cách nó hoạt động nhé!

Ethereum 2.0 là gì?​

Ethereum 2.0 (còn được gọi là ETH 2.0 hay "Serenity”) là bản nâng cấp đã được mong đợi từ lâu của Ethereum nhằm chuyển Blockchain từ cơ chế đồng thuận proof-of-work (PoW) sang proof-of-stake (PoS). Cơ chế đồng thuận mới cùng các cải tiến lớn của Ethereum 2.0 sẽ giúp cho Ethereum Blockchain mở rộng hơn, an toàn và bền vững hơn.

Từng bước một, chúng sẽ đến tay người dùng kể từ ngày 1/12/2020.

Điều này sẽ không tạo ra một loại tiền mã hóa mới. Thay vào đó, hầu hết các thay đổi sẽ nằm ở phần backend, các cải tiến kỹ thuật mà bạn có thể sẽ không nhận thấy được tạo ra những ảnh hưởng nhất định đến cộng đồng người dùng rộng lớn.

ethereum blockchain
Ethereum Blockchain

Sự khác biệt giữa Ethereum và Ethereum 2.0​

Thay thế hoàn toàn PoW bằng PoS​

Sự thay đổi quan trọng nhất trong Ethereum 2.0 là việc chuyển đổi từ PoW sang PoS.

Proof of Work (PoW) là thuật toán đồng thuận của Ethereum hiện tại (và nhiều blockchain khác). Thợ đào (miners) sẽ đầu tư chủ yếu vào điện năng và thiết bị đào để xác thực 1 giao dịch và bảo vệ mạng lưới.

Proof of Stake (PoS) cố gắng giải quyết vấn đề tiêu thụ điện năng bằng cách loại bỏ hoàn toàn các thợ đào. Thay vì dùng năng lượng để tính toán. Với PoS, người dùng sẽ cố gắng bảo vệ mạng lưới bằng cách stake ETH của họ và trở thành người xác thực (validators).

Mỗi trình xác thực sẽ khuyến khích việc xác thực giao dịch bằng cách nhận phần thưởng tương tự như các miner trong PoW, kể cả phần thưởng khối và chi phí giao dịch.

PoS sẽ chọn ngẫu nhiên người xác nhận để xử lý và bảo mật các giao dịch. Còn với PoW - các thợ đào sẽ đua nhau xử lý cùng một bộ giao dịch. Cổ phần (số lượng ETH đem đi stake) của người xác thực càng lớn, cơ hội được chọn để xác thực các giao dịch càng cao. Khi xác nhận thành công (unlock), phần thưởng khối sẽ xuất hiện và được chia cho những người đã đóng góp. Mỗi người tham gia sẽ nhận theo mức họ đã đóng góp trước đó.

Tốc độ giao dịch​

tốc độ giao dịch trong ethereum 2.0

Với Ethereum 2.0 giao dịch được rút ngắn thời gian
Hiện tại, bất cứ ai muốn truy cập Ethereum cần thông qua một node. Mỗi node chứa một bản sao của toàn bộ các giao dịch từng tồn tại trong mạng. Shard chains thì khác ở chỗ, chỉ chứa một phần của blockchain cho phép các node chỉ cần quản lý một "lát cắt" của mạng. Theo dự đoán, Ethereum 2.0 sẽ có 64 shards.

Trong Ethereum 1.0, mỗi 1s hệ thống chỉ xử lý được từ 15-45 giao dịch.

Với Ethereum 2.0, việc này được chuyển đổi thành song song nhờ sharding. Các khâu trong 1 giao dịch sẽ được thực hiện đồng thời để rút ngắn thời gian hơn cho 1 giao dịch và Ethereum có thể thực hiện được hàng nghìn giao dịch trong mỗi giây.

Nói vui thì đây là phương pháp “chia để trị”.

Beacon Chain​

Với việc các shard chains hoạt động song song, vậy thứ gì đảm bảo rằng chúng đồng bộ với nhau? Đó chính là nhiệm vụ của beacon. Nó đưa sự đồng thuận đến với các shard chain vốn đang làm việc song song với nhau.

Vì lý do đó, beacon nắm vai trò trung tâm và là tính năng mới đầu tiên xuất hiện trên bản cập nhật Ethereum 2.0. Nếu không có nó, việc chia sẻ thông tin giữa các shards là bất khả thi.

Nâng cấp máy ảo EVM thành eWASM​

EVM là thành phần tính toán cốt lõi của Ethereum 1.0. Ethereum 2.0 sẽ nâng cấp máy ảo từ EVM thành eWASM (Ethereum WebAssembly).

  • EVM: Máy chủ ảo hiện tại của Ethereum là “bộ não” của Blockchain, nơi chạy các Hợp đồng Thông minh của ETH. EVM chính là bộ phận chịu trách nhiệm cho phí gas mà người dùng phải trả. Như mọi người thấy, EVM hiện tại hoạt động chưa được hiệu quả khi những lúc cao điểm phí gas tăng tương đối nhanh.
  • eWASM: Viết tắt cho Ethereum WebAssembly Machine, là máy chủ ảo mới dựa trên công nghệ WebAssembly. Công nghệ WebAssembly vốn được xây dựng bởi các kỹ sư của Google và Mozilla với mục đích cho phép các ngôn ngữ lập trình được chạy trên nền web.
Nói 1 cách ngắn gọn, sWASM sẽ thay thế EVM phụ trách phần lõi Ethereum giúp Ethereum 2.0 giảm phí gas đi rất nhiều và tăng tính bảo mật của hệ thống.

Các giai đoạn nâng cấp Ethereum 2.0​

Theo lời của ConsenSys - Đơn vị phát triển Ethereum:

“Ethereum 2.0 là bản nâng cấp tiếp theo cho Ethereum và sẽ được phát hành theo nhiều giai đoạn kể từ năm 2020. Bắt đầu là Giai đoạn 0 và mỗi giai đoạn sẽ cải thiện chức năng và hiệu suất của Ethereum theo những cách khác nhau.”

Giai đoạn 0: Đã triển khai vào ngày 1/12/2020

Đây là giai đoạn đầu tiên của việc chuyển đổi PoW sang PoS. Ở giai đoạn này, mạng lưới Ethereum sẽ có hai chuỗi khối chạy song song với nhau với 2 cơ chế đồng thuận khác nhau, là ETH1.0 và Beacon chain.

ETH1.0 là chuỗi khối hiện tại của Ethereum, áp dụng cơ chế đồng thuận PoW và có native token là ETH (bản chất là ETH ở thời điểm hiện tại).

Beacon chain là chuỗi khối mới, áp dụng cơ chế đồng thuận PoS và có native token tên là ETH2. Người dùng có thể chuyển ETH sang ETH2 để staking hưởng lợi nhuận.

Beacon Chain sẽ tiến hành hoặc điều phối mạng lưới mở rộng shards và stakers (khi Ethereum 2.0 hoàn thiện). Nhưng Beacon Chain sẽ không thể xử lý các smart contract và account như Ethereum 1.0.

Giai đoạn 1/1.5: Dự tính năm 2021

Trong giai đoạn này thì Ethereum 1.0 và Beacon Chain sẽ hợp nhất lại với nhau thành 1 mạng lưới Ethereum duy nhất và sử dụng PoS thay vì PoW.

Ethereum 1.0 sẽ đưa khả năng chạy các hợp đồng thông minh vào hệ thống PoS, cộng với toàn bộ lịch sử và trạng thái hiện tại của Ethereum, để đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ cho tất cả người dùng và chủ sở hữu ETH.

Khi quá trình hợp nhất xảy ra, các staker sẽ được chỉ định để xác thực các giao dịch trên mạng chính Ethereum 1.0. Việc khai thác bằng máy đào (PoW) sẽ bị hủy bỏ.

Theo kế hoạch ban đầu, nâng cấp Shard Chain sẽ diễn ra trước giai đoạn Hợp nhất nhằm giải quyết vấn đề về khả năng mở rộng. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của các layer 2 hiện tại, ưu tiên đã chuyển sang hoán đổi PoW sang PoS thông qua hợp nhất.

Giai đoạn 2: Dự tính Năm 2022, tùy thuộc vào tiến độ công việc của giai đoạn trước.

Đây là giai đoạn mà team dev sẽ áp dụng giải pháp Sharding trên mạng lưới của Ethereum. Lúc này Ethereum 2.0 hỗ trợ các chuỗi shard được hình thành đầy đủ và trở thành mạng Ethereum chính thức.

Chuỗi Shard cũng sẽ có thể hoạt động với các hợp đồng thông minh, cho phép các nhà phát triển DApps và các công nghệ khác tích hợp liền mạch với Ethereum 2.0.

Ethereum 2.0 hoạt động như thế nào?​

Như mình đã nói ở trên, thay đổi lớn nhất trong blockchain Ethereum 2.0 sẽ là sự chuyển đổi từ PoW sang PoS. Lúc này bạn có thể kiếm tiền với ETH 2.0 Staking.

hoạt động của ethereum 2.0
Thay đổi lớn nhất trong Ethereum 2.0 sẽ là sự chuyển đổi từ PoW sang PoS
Sau khi thành công đăng ký tham gia giao dịch trên hệ thống mới, bạn có thể tiến hành stake ETH. Điều này sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại hoàn toàn cách các khối mới được xác nhận.

Trên Ethereum đang hoạt động hiện tại, các khối mới được tạo ra và xác nhận bởi các thợ đào (miner).

Với cơ chế đồng thuận PoS, để được cấp đặc quyền thêm các khối mới vào blockchain, bạn cần phải stake tối thiểu 32 ETH. Số ETH này sau đó sẽ được khóa lại. Hiểu đơn giản là bạn gần như sẽ không thể làm được gì với số lượng ETH mà bạn đã staking trong một khoảng thời gian.

Đổi lại, bạn sẽ nhận được phần thưởng từ việc đó. Nó cũng giống như chúng ta cho vay một lượng ETH và nhận lại lãi vậy.

Giờ chúng ta hãy nói về chuyện tiền bạc nào: Staking cả năm rồi thì được chia bao nhiêu?

Hiện dự án đang đề xuất mức lợi nhuận tối thiểu là 4.9%/năm và tối đa lên tới 21.6%/năm cho số vốn bạn đã khóa để tạo lập khối nguyên thủy (genesis block). Việc phần thưởng cụ thể như thế nào sẽ phụ thuộc vào số lượng ETH được stake. Nếu so sánh với các nền tảng vay/cho vay hiện tại thì mức lãi suất trên hấp dẫn hơn hẳn. Bạn có thể xem bảng so sánh dưới đây:

so sánh các nền tảng giao dịch
So sánh giữa các nền tảng
Stake xong rồi thì sao nữa?

Theo lộ trình Ethereum đã đề cập ở trên, các bước tiếp theo trên con đường tới Ethereum 2.0 bao gồm giai đoạn 1/1.5 và 2:
  • Hợp nhất Ethereum 1.0 và Beacon Chain
  • Cập nhật Shard Chain
  • Kích hoạt hợp đồng thông minh
Nghe phức tạp vậy thôi chứ người dùng bình thường như chúng ta và các hội validator/staker chỉ cần đế ý cột mốc khi nào có thể rút lời ETH đã stake ra là được.

Đó là sau khi kết thúc giai đoạn 1.5, dự kiến vào năm 2021.

Tác động của Ethereum 2.0 đến giá ETH​

Một điều chắc chắn là việc ra mắt ETH 2.0 sẽ khiến lượng ETH lưu thông trên thị trường trở nên khan hiếm hơn. Hiện đã có hơn 4 triệu ETH, tương đương 11 tỷ USD, được ký gửi trong Ethereum 2.0.

Ban đầu, Ethereum 2.0 chỉ yêu cầu staking 500,000 ETH là đã đủ điều kiện. Tuy nhiên, lượng ETH staking vào không hề có dấu hiệu dừng lại. Ngày 04/12/2020, người dùng đã ký gửi tổng cộng 1 triệu ETH - gấp đôi so với yêu cầu để ra mắt chuỗi beacon. Con số đó lại tăng gấp đôi chỉ 20 ngày sau đó, đạt hai triệu ETH vào ngày 24/12/2020.

Với việc đã có hơn 4 triệu ETH staking cho thấy niềm tin của cộng đồng với Ethereum 2.0. Kỳ vọng này dĩ nhiên sẽ đẩy giá ETH tăng mạnh. Bên cạnh đó, lượng ETH staking tương đương 3.5% tổng cung ETH sẽ bị khóa, không thể dùng trong giao dịch dẫn tới cung hiện hành giảm.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái Ethereum phát triển mạnh trong giai đoạn này cùng với sự bùng nổ của DeFi và NFTs khiến nhu cầu mua ETH tăng để làm phí giao dịch và tài sản thế chấp khi sử dụng các ứng dụng được xây dựng trên Ethereum.

Theo thống kê thì trong 3 tháng gần nhất, mạng lưới Ethereum chỉ sản sinh ra thêm 1.18 triệu ETH mới. Khi nguồn cung bị giới hạn trong khi nhu cầu vẫn tăng lên thì việc tăng giá là điều dễ hiểu.

Hơn nữa nếu Ethereum 2.0 thành công nó cũng là bước ngoặt mới, tạo nền tảng vững mạnh giúp mở rộng mạng lưới hơn và thu hút nhiều người dùng mới tham gia vào hệ sinh thái.

giao dịch eth
Giao dịch ETH
Kể từ cuối 2020 đến nay giá ETH đã tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt sau bản cập nhật hard fork vào tháng 3. Sau thời gian giảm ngắn hạn giá ETH đã tạo đỉnh mới ở mốc $4,300.

Kết luận​

Ethereum 2.0 là một bản nâng cấp quan trọng của mạng Ethereum, là bằng chứng cho thấy nó đang trải qua quá trình chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng.

Đồng thời, Ethereum 2.0 cũng mở ra một cơ hội tiềm năng cho các nhà đầu tư. Nếu bạn tin tưởng vào mạng lưới và đội ngũ của dự án, bạn có thể cân nhắc tham gia nhé.
 
Thẻ
eth 2.0 là gì giá eth kiến thức blockchain kiến thức cho nhà đầu tư proof of stake
Bên trên